5 năm trồng rau sạch, vợ chồng ông Nguyễn Khắc Đạo phải ôm từng mớ đem bán chợ làng, bị chê xấu mã, nhiều sâu, không ai mua.
Thuốc về đến tận làng
Năm 1982, Nguyễn Khắc Đạo 20 tuổi. Nhà được phân nửa sào rau màu của hợp tác xã Tiền Lệ (xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức). Sáng nghe tiếng kẻng, Đạo vác nạo ra đồng với mẹ. Dải đất ven sông Đáy trước trồng cây ăn quả, nhưng sản lượng không cao, bị phá bỏ từ những năm 1980. Nông dân Tiền Lệ thời ấy trồng đủ thứ, từ hành, tỏi, dưa lê, các loại rau ăn lá nhập về hợp tác.
Có đợt mưa dầm, hôm trước ra ruộng thấy lốm đốm sâu ăn, hôm sau chỉ còn trơ lại gân lá. Đạo kiếm cái chai thủy tinh 65, treo tòng teng ở ghi đông xe đạp, xuống ty vật tư nông nghiệp dưới thị trấn, cách nhà 3 km mua thuốc trừ sâu. Thuốc sâu, phân bón do nhà nước quản lý, sang chiết theo suất, có sổ. Mỗi một mùa rau tháng rưỡi, nhà anh Đạo “đánh” chưa đầy một chai thuốc.
Những năm 1990, vợ chồng Đạo được chia hai sào, gom thêm ruộng cha truyền, tổng được bốn sào tiếp tục trồng rau. Đất nước mở cửa, lượng thuốc bảo vệ thực vật ồ ạt nhập vào, mỗi năm trên dưới 80.000 tấn. Đạo không cần lọc cọc đạp xe đi mua, khi các cửa hàng, đại lý thuốc đã mở tận trong làng. Nhiều nông dân ngày ấy không đọc nổi dòng chữ in trên bao bì, nhưng hễ rau có sâu, đốm lá, chỉ cần cầm cây đến, “đại lý đưa thuốc, phun vào sâu gì cũng chết”.
Mua thuốc đơn giản như mua tương
Vương Sỹ Thành khi ấy học lớp 6, hay cùng bố đạp xe 15 km từ xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai sang xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, mua bắp cải giống. “Lấy tay bịt mũi vào”, bố Thành quay sang dặn con, rồi nhắm mắt nhắm mũi gồng người đạp thật nhanh qua đoạn đường nồng nặc mùi thuốc sâu. Ba mươi năm qua, Thành chưa quên cái mùi hăng hắc xộc vào mũi mỗi bận đi qua những cánh đồng rau năm ấy.
Nhưng trên chính 2 mẫu đất trồng cải nhà mình, bố mẹ Thành cũng giống vợ chồng anh Đạo những ngày “mở cửa” ngành thuốc bảo vệ thực vật, hồ hởi bơm thuốc và thấy đỡ tốn sức làm cỏ, diệt bệnh. Chỉ đôi ba nghìn ra đầu làng là có ngay một gói. Chính Thành nhiều lần được bố mẹ đưa tiền sai đi mua thuốc, dặn dò “bảo bác bán cho cái này, cái này”, đơn giản như mua chai tương, cọng hành.
Những mảnh ruộng dăm ba năm chuyển màu đen xơ xác, chai cứng, mưa thì rắn mặt, nắng lên đanh lại, nắm trong lòng bàn tay không khác gì cầm cục đá. Bố mẹ Thành đi phun thuốc bằng bình bơm tay, van kém đôi khi nước còn rỉ ra, thấm vào quần áo, bận nào phun về, cũng kêu bải hoải người, chóng mặt, có ngày bỏ cơm. Thời gian cách ly thuốc khi ấy, ít nhất là 15 ngày, có loại 30 ngày. Nhưng chẳng nông dân nào đợi được lâu như vậy. Mỗi người làm rau chừa lại một khoảng vườn nhỏ sau nhà, trồng riêng để “nhà mình ăn”.
Hành trình chuyển đổi
Năm 2008, thủ đô mở rộng địa giới hành chính. Trong một đêm, những người Hà Tây cũ như Thành mang hộ khẩu Hà Nội, lần đầu biết đến quy hoạch vùng trồng rau an toàn.
Năm 2009, đề án sản xuất rau an toàn có tên Tiền Lệ. Các vùng chuyên canh rau lúc này chỉ đáp ứng được 60% sản lượng cung cấp cho hơn 6 triệu cư dân thành phố, 40% còn lại nhập từ các địa phương Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng và Vĩnh Phúc.
Cán bộ lội ruộng cùng dân
Ông Đạo được chọn đi tập huấn, học cách trồng rau an toàn. Ba tháng ngồi lớp rồi ra đồng thực hành, người nông dân có kinh nghiệm ba mươi năm trồng rau được các kỹ sư hướng dẫn cách làm đất, ủ phân, gieo hạt sao cho hạn chế thấp nhất sâu bệnh, cách nhận biết các loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại không nên dùng trên rau.
“Cô cứ nói toàn lý thuyết, phải mắt thấy tai nghe chúng tôi mới tin”, bà Đặng Thị Thu Thủy, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật Hoài Đức vẫn nhớ mãi câu nói của một nông dân thôn Tiền Lệ trong lớp tập huấn giảm thiểu dùng thuốc hóa học, tiến tới thử nghiệm vùng sản xuất rau an toàn của thủ đô.
“Những năm ấy, cách một tuần nông dân lại vác bình đi phun mà không biết đã đến độ chưa, mỗi loại thuốc phun xong rau phải cách ly bao nhiêu ngày”, bà Thủy ước lượng trước năm 2009, hơn 70% thuốc bảo vệ thực vật nông dân dùng vẫn là hóa học.
Năm nữ cán bộ trạm, hàng ngày chia nhau xuống “lội ruộng” cùng bà con. Bà Thủy làm các loại bẫy dính côn trùng, sâu bướm thử ngay trên ruộng. Rạng sáng, nông dân ra đồng. Lúc sau cán bộ cũng có mặt, giải thích về quy luật phát triển, vòng đời các loại sâu và cách phòng trừ. “Bà con đi trước, mình lội nước theo sau”, ròng rã hàng năm, làm mãi rồi họ cũng dần tin, giảm tần suất phun 5 lần mỗi vụ rau một tháng xuống còn 2-3 lần.
Sạch – bẩn lẫn lộn ai biết mà mua
Hàng trăm thửa ruộng Tiền Lệ quen trồng đủ loại rau quả, mỗi mảnh một loại, được quây lưới, phân khu riêng. Gần hai chục giếng khoan phân bố quanh khu nhà lưới để lấy nước ngầm tưới rau. Ông Đạo cũng hăm hở đổi ruộng, nhập bốn sào rau của mình vào hợp tác xã rau an toàn. Ông được bầu làm nhóm trưởng sản xuất của gần hai chục hộ dân.
Năm năm liên tiếp không có chỉ dẫn địa lý, không thương hiệu, rau Tiền Lệ chưa được bao tiêu, không công ty nào tìm về. Thi thoảng đi hội chợ, ông Đạo vẫn đề xuất với các cấp có thẩm quyền “tìm cách bao tiêu cho nông dân, bởi mình làm an toàn, làm đúng mà không bán được rau là vô lý”. Những năm ấy, bà Chiến vợ ông vẫn cắt từng mớ rau đi chợ bán. Ông Đạo đêm đêm vắt tay lên trán, ức trào nước mắt vì “rau sạch lẫn lộn với rau phun thuốc, người mua ai biết”.
Khăn gói lên đường học hỏi
Vương Sỹ Thành bỏ ruộng rau từ ngày lấy vợ, lúc này đang làm ông chủ của một xưởng miến rong ven bờ sông Đáy. Cái nghề cho lợi nhuận khá nên trong xã Cộng Hòa chục mái nhà lại có một xưởng miến rong. Nghỉ làm rau, nhưng quãng đời mưu sinh cùng với hóa chất của Thành chưa chấm dứt. Để làm ra sợi miến dai dẻo, thơm và trong suốt, bàn tay ông chủ xưởng ngâm trong chất tẩy, phụ gia. Cái rùng mình những ngày nhỏ đi qua vùng rau Cát Quế, giờ trở nên thường nhật với Thành trong xưởng miến.
“Không thể luẩn quẩn làm hại nhau mãi, con cái mình suy cho cùng cũng là sẽ là người ăn”, Thành nói về quyết định dẹp xưởng miến. Tháng 7/2016, anh dắt lưng mấy triệu đồng, bắt xe vào Lâm Đồng học cách trồng rau sạch.
Khi ấy ở Hà Nội, hơn 30 dự án cùng hàng nghìn hecta đất nông nghiệp được quy hoạch thành vùng rau an toàn, nhưng từ năm 2012 đến 2017, năng suất rau của Hà Nội chỉ tăng 7%. Thành phố vẫn phụ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài. Trong 5 năm từ 2013 đến 2017, tỷ lệ đóng góp vào tăng trưởng của nông nghiệp Hà Nội liên tục giảm, từ 0,14% xuống còn 0,06%.
Gian nan con đường làm rau sạch
Huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng thời điểm ấy đã là vùng rau an toàn có tiếng cả nước với mô hình trồng rau trong nhà lưới. Thành mất 2 tháng đầu rát mặt dưới nắng cao nguyên chỉ để học cách lên luống làm đất, nhổ cỏ, việc mà trước đây bố mẹ anh chỉ cần vác đôi bình thuốc trừ cỏ ra đánh là “rảnh thân”. Những nắm đất ở Lâm Đồng như tan ra trong tay anh nông dân gốc Bắc. Lâu lắm, Thành mới được sờ lại những nắm đất tơi mềm.
Thêm bốn tháng nữa để học cách gieo hạt, chọn giống, chăm bón. Sự khắt khe của nghề làm rau sạch khiến Thành “toát mồ hôi”. Quan trọng nhất là không dùng hóa chất phân bón và trừ sâu mà dùng bả sinh học, làm cỏ tay, ngừa bệnh theo chu kỳ, những kiến thức mà cán bộ nông nghiệp Hoài Đức như bà Thủy mất hàng năm trời để thuyết phục nông dân Tiền Lệ.
Nửa năm học nghề, trở lại quê hương, Thành tiên liệu “Làm rau an toàn, sẽ vất hơn kiểu canh tác cũ 20 lần”. Gian nan đến với anh ngay từ ngày trở về quê. Tháng 12/2016, nghe Thành nói muốn thuê 2 hecta đất làm rau sạch, người làng ai cũng nói anh lẩm cẩm, không tin, nghĩ thuê đất để “làm trò khuất tất”. Thành phải nhờ cán bộ phụ trách nông nghiệp xã đứng ra bảo lãnh. Năm đầu tiên, anh chỉ thuê được 1,5 hecta của 46 nông hộ.
Vừa khó vừa đắt
Người thân, họ hàng chung sức làm rau cũng gần chục người. Bao năm quen giải quyết mọi vấn đề nảy sinh trên ruộng bằng vài bình thuốc, giờ quay về thói quen ủ phân xanh, đợi hoai mục, cho đất nghỉ, rồi ngồi còng lưng bắt sâu, nhổ cỏ như mấy chục năm về trước, ai cũng lắc đầu kêu vừa khó vừa đắt. Họ bảo anh “làm phiên phiến” thôi, Thành kiên quyết không.
600 triệu đồng vay mượn đổ hết vào thuê đất, chôn cột, làm nhà lưới, dọn cỏ, làm đất. Nhưng chỉ sau cơn bão đầu tiên năm 2017, cột kèo chôn quá nông đồng loạt đổ. Lứa bắp cải “an toàn” đầu tiên bị sâu đục sạch, còi rỉn, bán rớt giá thảm hại. Vợ Thành nhìn hàng đống tiền đội nón ra đi chưa thu một đồng lãi, sốt ruột, khuyên chồng “tính lại”.
Nếm trái ngọt
Cùng năm ấy, thành công đầu tiên đến với ông Đạo và nông dân trồng rau sạch Tiền Lệ. Tháng 2/2017, công ty bao tiêu tìm về tận ruộng xem mô hình canh tác. Ông Đạo khi ấy là tổ trưởng tổ trồng rau an toàn của thôn, đứng ra cam kết chất lượng sản phẩm. Tổ sản xuất tự lập ban giám sát, kiểm tra nhật ký đồng ruộng từng hộ.
5 năm ôm những mớ rau trồng trong nhà lưới đi bán ở chợ giá “rẻ như cho”, người trồng rau sạch Tiền Lệ mới được nếm trái ngọt. Rau cắt ra tới đâu, ôtô đến cân mua, trả tiền tươi đến đó. Cân rau cải an toàn được giá gấp đôi, gấp ba buôn thúng bán mẹt.
Rau an toàn có chung bài toán với hầu hết nông sản Việt: đầu ra. Những vụ rau sau của anh Vương Sỹ Thành rơi vào thế khó “truyền thống” của nông dân cả nước, được mùa nhưng mất giá. Ông chủ vựa rau ngày hai cữ chất gần 300 kg cải lên sọt, phi 30 km ra khắp các chợ nội thành chào bán. Ròng rã năm tháng, từ tháng 6 đến tháng 10/2017, Thành mới gặp “mối” đầu tiên, là một chủ hợp tác xã bao tiêu rau sạch lớn trong chợ Lĩnh Nam.
“Sạch thật không?”, vị khách hàng nghi ngờ, bảo Thành dẫn về tận vườn, sờ từng nắm đất, nhãn thuốc, thấy từng người kỳ cụi nhặt cỏ bằng tay, bẫy sinh học quanh nhà lưới, mới đồng ý thu mua. Đôi ba năm sau, có tay nghề, có tiếng, các trường học, cơ quan, xưởng sản xuất tự tìm tới đặt mua rau, lúc ấy vợ Thành, mới thôi khuyên chồng bỏ nghề.
Thay đổi để thành công
Ba năm qua, cả nghìn chuyến xe tải chở rau từ ruộng của anh Thành đã tỏa đi khắp nơi, chưa một chuyến nào gặp vấn đề về dư lượng thuốc trừ sâu khi qua test. Sáu sào rau cải của vợ chồng ông Đạo ở Tiền Lệ, cho thu hoạch 50 kg mỗi ngày, năm khoảng sáu, bảy lứa. Nếu “trời thương”, mỗi năm vợ chồng cũng để ra được hơn 200 triệu đồng.
Bà Chiến vợ ông Đạo bao năm nay không còn phải bận tâm đến chuyện cắt rau đi chợ sớm, cũng chẳng cần biết rau chợ bây giờ bán bao nhiêu.
Nguồn: Thanh Lam – Hoàng Phương – Báo vnexpress